Còn ngôi mộ ứng với cung Phúc của Chu Năng ở vào chỗ cùng cực xấu, nên Chu cũng sáng nghiệp bằng cách qui dân lập được mấy ấp, được tôn làm hương trưởng, rồi sau khi chết được tôn làm thần Thành-hoàng. Đó bàn về phúc. Cung Phúc-đức bao gồm phần phúc và đức. Hai người cùng một số, nhưng tổ-tiên, ông-bà, bố-mẹ, và bản-thân xây dựng cái thiện-đức, thì đương số được hưởng phú, thọ, quý, vinh nhiều hơn. Phần yểu, bần, ai, khổ giảm. Còn như tiền nhân gây nhiều ác-đức, thì phú, thọ, quý, vinh giảm; mà yểu, bần, ai, khổ tăng.
Nhà vua hiểu ra:
- Như vậy những người cùng số, có cuộc đời hao hao giống nhau. Nhưng tùy theo ngôi mộ ứng với cung Phúc-đức táng ở thế đất kết hay bại, mà phú, thọ, quý, vinh, yểu, bần, ai, khổ khác nhau. Bây giờ tới vấn đề khác. Như số những người chết một lúc như chiến-tranh, đắm thuyền. Không lẽ số những người đó đều đến ngày ly thế cả hay sao?
- Tâu bệ hạ, trong Tử-vi kinh có nói rồi. Thần xin đọc:
Vận con phải thua vận cha.
Vận người không bằng vận nhà.
Vận nhà không bằng vận làng.
Vận làng không bằng vận châu.
Vận châu không bằng vận nước.
Vận nước không bằng vận thiên hạ.
Nhà vua suýt xoa:
- Trẫm hiểu rồi! Trước đây trẫm đọc đoạn này chỉ hiểu lờ mờ. Bây giờ nhờ đạo sư nhắc, trẫm mới vỡ lẽ. Trẫm thử kiến giải xem có chỗ nào sai, đạo sư minh cho. Như hai trẻ cùng số, nhưng thời thơ ấu sống với cha mẹ. Nếu cha mẹ giầu sang, thì dù số nó xấu, vẫn được ấm no. Còn như cha mẹ nghèo khó, thì dù số nó tốt, vẫn bị cơ cực. Đó là vận con phải thua vận cha.
- Bệ hạ kiến giải thực minh mẫn. Rộng hơn chút nữa, một người ở trong làng, dù số tốt hay xấu cũng phải chịu chung số phận của cả làng. Tỷ như hai người cùng số giầu. Một người sống trong làng giầu, thì của cải súc tích. Còn người sống trong làng khó, thì chỉ giầu so với người trong làng, nghĩa là kha khá vậy thôi.
- Trẫm hiểu rồi, khi người ta đi cùng thuyền, giống như ở trong cùng làng. Nếu hơn phân nửa người trong thuyền tận số, thì thuyền đắm. Số còn lại bị chết oan theo. Như vận một châu không có người chết, nhưng vận nước có binh ách, châu cũng chịu chung, ắt có nhiều người chết.
- Không biết bệ hạ đã gặp một số nào giống số của bệ hạ chưa?
- Năm trước đây, trẫm tiếp sĩ tử trúng tuyển kỳ thi, gặp một tiến sĩ tên Chu Hội. Y sinh cùng giờ, ngày, tháng, năm với trẫm. Tại sao trẫm làm vua, đã mười năm, mà nay y mới đậu tiến-sĩ?
- Số của Chu ra sao?
- Y sinh tuổi Canh-Tuất, tháng bẩy, ngày sáu, giờ Dần.
- Như vậy là cuộc đời Chu đúng với lá số đấy chứ. Mệnh y lập tại Ngọ. Thiên-lương thủ mệnh. Cung quan Thiên-đồng gặp Hóa-lộc, cung tài Thiên-cơ gặp Hóa-quyền. Cung phúc có Văn-xương ngộ Hóa-khoa. Năm trước, mười bẩy tuổi, đại tiểu trùng phùng ở cung Thân ngộ Lộc-tồn, Văn-xương, Hóa-khoa. Trong khi mệnh y hưởng cách Tọa-qúy hướng-quý tức Thiên-việt ở mệnh, Thiên-khôi ở tài. Chu đậu đại khoa là phải.
- Tại sao năm ngoái, trẫm không có gì tốt cả?
- Bệ hạ sinh cùng ngày, tháng, năm với y, nhưng không cùng giờ. Bệ hạ sinh giờ Ngọ. Bệ hạ đâu có sinh giờ Dần?
- Rõ ràng lúc trẫm sinh ra, Thái-quốc phu nhân đỡ đẻ, đã ghi như vậy mà. Đạo sư có nhớ lầm không? Em trẫm, do Lý phi cũng sinh cùng ngày, tháng, năm với trẫm mới giờ Ngọ. Sau một ngày, em trẫm qua đời.
Tây-Sơn lão nhân lột mũ bỏ xuống đất, vái ba vái:
- Ngày hôm nay bần đạo muôn thác, tâu rằng bệ hạ sinh giờ Ngọ, để sau này... bệ hạ không bắt tội bần đạo.
Ghi chú
(1) Mẹ của Tống Thái-Tổ, Thái-Tông họ Đỗ. Khi con lên làm vua, phong cho bà làm Chiếu-Huệ thái hậu.
(2)Câu trên trong Triệu-thị minh thuyết Tử-vi kinh chú như sau:
- Đàn ông mệnh tại cung Thìn gặp Thái-dương thủ mệnh, đàn bà mệnh tại cung Tuất gặp Thái-âm thủ mệnh; được Khoa, Quyễn, Lộc củng, thêm sao Tử, cùng Trường-sinh. Nam quyền tới bá. Nữ nổi danh về ca, vũ.
(3) Tống-sử, quyển 242, Hậu-phi liệt truyện trang 8606 chép rằng: Chiếu-Huệ thái hậu lúc sắp băng gọi Tống Thái-Tổ đến bên giường bệnh. Bà hỏi:
- Con có biết tại sao Chu Thế-Tông băng, mà sự nghiệp lại vào tay con không?
Đáp:
- Vì con giữ chức Điểm-kiểm triều Chu.
Thái hậu lắc đầu:
- Không phải.
Nhà vua không sao trả lời được. Thái hậu cật vấn qúa, nhà vua đáp:
- Do tổ khảo trải đến thái hậu tích đức để lại.
Thái hậu lắc đầu:
- Vì con của Thế-Tông còn thơ ấu. Nếu bấy giờ họ Sài có ông vua lớn tuổi, liệu ngôi vua có đến con không. Vậy con đừng đi vào vết cũ nữa. Khi thấy mình già yếu, nên truyền ngôi cho em con là Quang-Nghĩa. Quang-Nghĩa già, truyền ngôi cho em thứ ba là Đình-Mỹ. Đình-Mỹ già, truyền ngôi cho con trưởng của con.
Sau này Tống Thái-Tổ truyền ngôi cho em là Triệu Khuông-Nghĩa tức Tống Thái-Tông. Thái-Tông không muốn truyền ngôi cho em là Tần vương Đình-Mỹ. Đình-Mỹ tài kiêm văn võ, lại có nhiều công lao chinh chiến. Nhưng sau Thái-Tông nghe lời xui khiến của Tể-tướng Triệu Tấn rằng nên truyền ngôi cho con. Ông mật sai các quan vu cho Đình-Mỹ tội phản nghịch, cách hết chức tước, đầy đi xa, rồi cho người ám toán. Khi về già ông lập con đầu lòng làm Thái-tử tước phong Sở-vương. Sở-vương bị ám toán hóa điên. Ông lập con thứ nhì làm Ch