
i bị uất ức nên đâm ra nghĩ ngợi, trong ngoài dày vò, không chịu nổi, sinh ra bệnh ráo huyết, ngày một gầy mòn, biếng ăn biếng uống, mời thầy chạy thuốc cũng không khỏi.
Sau đó Kim Quế vẫn to tiếng cãi lộn mấy lần. Tiết Bàn có khi mượn hơi men hung lên, cầm gậy định đánh, Kim Quế giơ người ra thách đánh, có lúc Tiết Bàn cầm dao muốn chém, Kim Quế liền chìa cổ ra, kỳ thực Tiết Bàn không dám to gan, chỉ làm ầm lên một lúc rồi thôi. Như vậy đã thành ra thói quen, làm cho Kim Quế càng lên nước, mắng chửi cả Bảo Thiềm.
Tính nết của Bảo Thiềm khác hẳn Hương Lăng, thực là củi khô gặp lửa. Nó đã ý hợp tâm đầu với Tiết Bàn, liền gạt Kim Quế ra một nơi. Gần đây Kim Quế lại hành hạ nó. Nó không chịu kém. Trước kia còn đối già đối non, sau Kim Quế tức quá chửi, đánh nó. Tuy nó không dám đánh lại nhưng nó hung lên, đập đầu định tự tử, ngày thì dao kéo, đêm thì dây thừng, giở hết mọi trò.
Tiết Bàn một mình không thể chiều chuộng được cả hai bên, đành cứ quanh co vớ vẩn; có khi trong nhà ầm ĩ quá, không biết làm thế nào, hắn đành lánh mặt ra ngoài cho rảnh.
Kim Quế lúc vui, không nổi nóng, lại tìm người đến đánh bài, gieo xúc sắc. Chị ta lại thích nhai xương đầu. Hàng ngày mổ gà vịt, bao nhiêu thịt cho cả người nhà, chỉ để xương đầu lại nhắm rượu, ăn chán rồi lại nổi nóng lại mắng chửi bâng quơ: "Đồ chó chết kia! Mày biết vui với con đĩ, thì tội gì ta lại không vui". Mẹ con Tiết phu nhân cứ lờ đi như khôngnghe thấy gì. Tiết Bàn cũng không biết làm thế nào nữa, chỉ hối hận mình chỉ vì một lúc không nghĩ kỹ, lấy phải con yêu tinh ấy. Từ đó cả hai phủ Vinh, Ninh, người trên kẻ dưới, đều biết rõ câu chuyện, không ai là không phàn nàn.
Bảo Ngọc đã hết hạn một trăm ngày, được đi ra ngoài, cũng thường sang chơi, trông thấy Kim Quế hình dáng đi đứng không ra vẻ dữ tợn, cũng là một đóa hoa tươi, một cành liễu rủ, không kém gì các chị em, sao lại có cái tính như thế? Thực là việc lạ. Bảo Ngọc đâm ra buồn bực. Hôm đó sang thăm Vương phu nhân, gặp bà vú của Nghênh Xuân vào chào, nói:
- Tôn Thiệu Tổ người không đứng đắn, cô nhà ta cứ khóc, chỉ muốn có người sang đón về nhà chơi mấy hôm cho khuây khỏa!
Vương phu nhân nói:
- Mấy hôm nay ta cũng định cho người đi đón nó, nhưng vì có mấy việc không được như ý nên quên khuấy đi mất. Hôm trước Bảo Ngọc về, đã nói qua rồi. Ngày mai tốt ngày, ta sẽ cho người đi đón.
Đương nói chuyện thì Giả mẫu sai người đến bảo Bảo Ngọc:
- Sáng sớm mai phải đến miếu Thiên Tề lễ tạ.
Bảo Ngọc đang mong được đi chơi các nơi, thấy nói thế, mừng quá, suốt đêm không ngủ. Sáng sớm hôm sau, rửa mặt gội đầu, mặc áo quần xong, theo mấy bà già lên xe ra ngoài cửa thành phía tây, đến miếu Thiên Tề thắp hương lễ tạ. Miếu này đã xếp đặt đầy đủ từ hôm trước. Bảo Ngọc vốn tính nhút nhát, không dám đến gần những pho tượng mặt mày dữ tợn, vì thế vội vàng đốt tiền giấy, ngựa giấy, rồi vào nhà khách nằm nghỉ.
Khi ăn cơm xong, bọn bà già và Lý Qúy theo Bảo Ngọc đi chơi các nơi một lúc, Bảo Ngọc thấy mệt, lại trở về nhà khách nghỉ. Các bà già sợ Bảo Ngọc lại ngủ, liền bảo đạo sĩ họ Vương ở miếu ấy đến tiếp chuyện. Đạo sĩ này thường đi bán thuốc rong các nơi, có mấy phương thuốc "hải thượng" để trị bệnh kiếm lời. Ở ngoài cửa miếu có treo biển: "Bán đủ các thứ thuốc cao đơn hoàn tán" Hắn thường đi lại quen thuộc với hai phủ Vinh, Ninh, người ta đặt tên riêng cho hắn là "Vương Nhất Niêm". Ý nói là thuốc cao của hắn hay lắm, chỉ dán một miếng là khỏi bệnh.
Bảo Ngọc đương nằm nghiêng trên giường, thấy Vương Nhất Niêm vào, liền cười nói: "Ông đến đây rất maỵ Tôi nghe nói ông kể chuyện vui lắm, xin ông nói một chuyện cho chúng tôi nghe".
Vương Nhất Niêm cười nói:
- Phải đấy. Cậu đừng ngủ, cẩn thận không có thì miến ở trong bụng nó giở quẻ đấy.
Cả nhà nghe vậy đều cười, Bảo Ngọc cũng cười, đứng dậy mặc lại áo, Vương Nhất Niêm bảo bọn đồ đệ: "Pha trà ngon lên đây". Bồi Dính nói:
- Cậu tôi không uống nước trà ở nhà ông đâu, ngồi ở trong nhà này còn sợ mùi thuốc cao sặc lên đấy.
Vương Nhất Niêm cười nói:
- Không có chuyện ấy. Thuốc cao của tôi không để trong nhà này bao giờ. Biết chắc hôm nay cậu Hai đến đây, nên tôi đã xông hương thơm từ mấy hôm trước rồi.
Bảo Ngọc nói:
- Phải đấy. Ngày thường tôi nghe nói thuốc cao của thầy hay, thế thì chữa bệnh gì đấy?
- Nếu hỏi đến thuốc cao của tôi, nói ra thì dài lắm. Trong ấy có nhiều điều uẩn khúc, không nói hết được, tất cả có một trăm hai mươi vị thuốc, quân thần đúng mức, ôn lương đều dùng. Trong thì điều nguyên bổ khí, dưỡng vinh vệ 1, khai vị khẩu 2, yên thần định phách, chữa rét, chữa nóng, tiêu cơm hóa đờm, ngoài thì điều huyết mạch, dãn gân cốt, tiêu thịt thối, mọc da non, trừ phong, tán độc, hiệu nghiệm như thần, dán vào sẽ biết.
- Tôi không tin chỉ có một lá cao mà lại chữa được từng ấy bệnh? Tôi hãy hỏi thầy, có một thứ bệnh, dán cao có khỏi được không?
- Trăm bệnh nghìn bệnh, dán vào là khỏi ngay, nếu không khỏi cậu cứ vặt râu tôi, tát vào mặt tôi, phá miếu tôi đi. Cậu hãy kể cái bệnh cái bệnh ấy ra xem sao?
- Thầy đoán xem. Nếu đoán đúng thì dán cao sẽ khỏi.
V