
sau tảng sáng, Tập Nhân gọi Bảo Ngọc dậy, chải đầu rửa mặt, thay quần áo rồi sai a hoàn nhỏ truyền gọi Bồi Dính chực ở cửa ngoài để mang sách vở và các đồ vật. Tập Nhân giục luôn mấy lần, Bảo Ngọc đành phải đi ra. Đến thư phòng, trước hết Bảo Ngọc hỏi dò xem cha mình đã đến đó chưa, người hầu nhỏ trả lời:
- Vừa rồi có một vị khách định vào gặp ông lớn để thưa chuyện gì đó, trong nhà nói ông lớn đang rửa mặt chải đầu, bảo vị khách ấy hãy đợi ở ngoài.
Bảo Ngọc nghe nói, trong bụng hơi yên, vội vàng đến chỗ Giả Chính, vừa gặp lúc Giả Chính sai người đến gọi, Bảo Ngọc liền theo vào. Giả Chính dặn dò mấy câu, rồi dẫn Bảo Ngọc lên xe. Bồi Dính mang theo sách vở đi thẳng đến trường học, người nhà đến trước trình với Đại Nho:
- Ông lớn đã đến.
Đại Nho đứng dậy, thì Giả Chính bước tới và hỏi thăm sức khỏe. Đại Nho cầm tay chào hỏi:
- Dạo này cụ có khỏe không?
Bảo Ngọc cũng tới hỏi thăm sức khỏe Đại Nho. Giả Chính mời Đại Nho ngồi, rồi mới ngồi xuống. Giả Chính nói:
- Tôi hôm nay thân hành đưa cháu đến đây, nhờ cụ dạy bảo giúp. Cháu cũng không còn bé hỏng gì nữa, cần phải học để thi cử mới mong trọn đời lập thân, thành danh được. Hiện nay, nó ở nhà chỉ chơi đùa với bọn trẻ con, tuy có hiểu được mấy câu thơ, dăm câu từ, cũng chỉ là nói nhảm viết nhảm. Dù có hay chăng nữa cũng chẳng qua là những lời gió trăng mây móc, chẳng ích gì cho đời nó cả.
Đại Nho nói:
- Tôi xem cháu mặt mũi cũng xinh đẹp, tư chất thông minh, nhưng lại cứ ham chơi, không chịu học? Việc thơ từ không phải là không nên học, nhưng sau khi đỗ đạc rồi sẽ học cũng chưa muộn.
- Đúng như thế. Giờ đây chỉ xin cụ bắt nó đọc sách, giảng sách, làm văn làm bài, nếu nó không nghe lời dạy bảo thì xin cụ hết sức kèm cặp nó, có thế mới không đến nỗi hữu danh vô thực, lỡ cả một đời.
Nói xong, Giả Chính đứng dậy vái một vái, nói vài câu chuyện phiếm rồi cáo từ rút lui ra. Đại Nho tiễn đến ngoài cửa và nói:
- Xin gởi lời thăm sức khỏe của cụ.
Giả Chính vâng lời, lên xe ra về.
Đại Nho quay vào, thấy Bảo Ngọc ngồi bên cái bàn hoa lê nhỏ, bày ở góc Tây nam, dựa vào cửa sổ, bên phải chồng hai bộ sách cũ và một tập văn bát cổ mong mỏng, gọi Bồi Dính đem giấy mực bút nghiên cất vào trong ngăn kéo. Đại Nho hỏi:
- Bảo Ngọc, ta nghe nói cháu hôm trước ốm, nay đã khỏe thật chưa?
Bảo Ngọc đứng dậy thưa:
- Khỏe thật rồi ạ.
- Bây giờ cháu nên chăm chỉ học hành, cha cháu thật hết sức tha thiết trông mong cháu nên người. Bây giờ cháu hãy đem những sách đã đọc trước bắt đầu ôn lại một lần. Hằng ngày, sáng dậy ôn lại sách, cơm xong viết chữ, trưa đến giảng sách và đọc mấy thiên bát cổ.
Bảo Ngọc "dạ" một tiếng rồi ngồi xuống, liếc nhìn xung quanh thấy thiếu mất mấy đứa trong bọn Kim Vinh ngày xưa và thêm mấy đứa học trò nhỏ, đều là bọn thô tục chẳng ra gì. Chợt nhớ đến Tần Chung, Bảo Ngọc thấy không có ai làm bầu làm bạn, để giải tỏ câu chuyện tâm tình, trong lòng buồn rầu, nhưng không dám nói ra, đành vùi đầu xem sách.
Đại Nho nói:
- Hôm nay là hôm đầu, cho cháu về sớm một chút, đến mai thì phải giảng sách đấy, cháu không phải là người dốt nát, ngày mai sẽ cho cháu giảng trước một vài chương sách cho ta nghe, xem gần đây cháu học hành ra sao, để biết được sức học của cháu đã đến thế nào rồi.
Nghe vậy trong bụng Bảo Ngọc cứ rối cả lên.
1 Tức Tào Tháo người đời Tam quốc.
2 Khương Thái Công tức Lã Vọng, tên chữ là Tử Nha. Lúc hàn vi thường ngồi câu cá ở sông Vị. Sau giúp vua Văn Vương nhà Chu, đánh được nhà Ân, phong là thái sư.
3 Thứ hương làm cho người ta ngửi thấy thì mê man bất tỉnh.
Bảo Ngọc ở trường học về, tới gặp Giả mẫu. Giả mẫu cười nói:
- Khá lắm, bây giờ ngựa rừng lên đã chịu lên cương rồi. Về gặp cha cháu một tý, rồi đi dạo chơi cho khuây.
Bảo Ngọc vâng lời đến gặp Giả Chính. Giả Chính hỏi:
- Sao về sớm thế? Thầy có đề ra cách học tập cho mày không?
- Dạ, thời giờ quy định như sau: sáng dậy ôn lại sách; ăn cơm xong tập viết; trưa đến giảng sách và đọc văn bát cổ.
Giả Chính gật đầu bảo:
- Con về hầu chuyện bà một lát, con trước hết phải lo học làm sao cho thành đạt nên người, chứ không nên chỉ nghĩ đến việc chơi bời, tối đến phải đi ngủ ngay để sáng mai dậy sớm đi học, con đã nghe chưa?
Bảo Ngọc vâng dạ tíu tít và lui ra ngoài, tới gặp Vương phu nhân rồi lại đến chào qua Giả mẫu, sau đó vội vàng chạy ra, mong sao mau tới quán Tiêu Tương. Vừa vào đến cửa, Bảo Ngọc vỗ tay reo nói:
- Tôi lại về đây rồi.
Đại Ngọc nghe tiếng giật mình, Tử Quyên vén màn lên, Bảo Ngọc đi vào phòng ngồi xuống ghế, Đại Ngọc nói:
- Nghe nói anh đi học kia mà, sao về sớm thế?
- Ái chà! Nguy quá! Hôm nay cha tôi thân hành đưa tôi đi học, trong bụng tôi tưởng chuyến này không gặp mặt cô nữa. Chật vật suốt một ngày. Bây giờ nhìn thấy các cô, tôi giống như chết đi sống lại, người xưa nói: "Một ngày dài ba thu", câu ấy thật không ngoa.
- Anh đã về chào cậu mợ chưa?
- Chào rồi.
- Còn các chỗ khác nữa?
- Không.
- Anh cũng nên chịu khó đến thăm họ một tý.
- Giờ tôi không muốn đi đâu cả, chỉ ngồi đây nói chuyện với cô thôi. Cha tôi bảo tôi ngủ sớm sáng mai dậy sớm,