
trăng ở trên núi tốt hơn.
Rồi bảo lên nhà hoa lớn ở trên núi. Mọi người nghe nói, bày các thứ ở đấy. Giả mẫu vào ngồi nghỉ tạm ở Gia Ấm đường uống nước, nói chuyện.
Một lúc có người vào trình: "Đã sắp sửa xong cả". Giả mẫu vịn vào một người đi lên núi. Vương phu nhân nói:
- Sợ đá có rêu trơn, xin cụ ngồi lên ghế trúc, để kiệu đi.
Giả mẫu nói:
- Đường rộng và bằng phẳng, lại ngày nào cũng quét dọn, đi dạo một lúc cho dãn gân cốt chẳng hơn ư?
Giả Xá, Giả Chính đi trước dọn đường, hai bà già cầm hai cái đèn lồng sừng dệ Uyên ương, Hổ Phách, Vưu Thị đi gần lại đỡ Giả mẫu. Bọn Hình phu nhân đi theo sau. Quanh co không đầy một trăm bước, đã đến sườn núi chính, ở đấy có một tòa nhà rộng thoáng. Vì làm ở trên sườn núi cao, nên gọi là "Đột bích sơn trang" 3 Trên đài, trước nhà bày bàn ghế, ở giữa lại đặt một cái bình phong lớn, ngăn làm hai gian. Bàn ghế đều dùng kiểu tròn cả, lấy nghĩa là đoàn viên. Giả mẫu ngồi giữa, bên trái có Giả Xá, Giả Trân, Giả Liễn, Giả Dung, bên phải có Giả Chính, Bảo Ngọc, Giả Hoàn, Giả Lan, ngồi quây quần; còn phía dưới vẫn để không.
Giả mẫu cười nói:
- Trước kia còn chưa biết là ít người, bây giờ xem ra nhà ta thật ít người quá. Nghĩ lại mấy năm về trước, ăn tết trông trăng đêm rằm, trai gái có hàng ba, bốn mươi người, vui nhộn biết bao! Hôm nay sao lại ít quá, bảo bọn cháu gái ra ngồi ở bên kia vậy.
Rồi sai người đến bàn của Hình phu nhân ở sau bình phong mời Nghênh Xuân, Thám Xuân và Tích Xuân ra. Giả Liễn, Bảo Ngọc đứng dậy, nhường các chị em ngồi trước, rồi mới theo thứ tự ngồi xuống.
Giả mẫu sai bẻ một cành hoa quế mang đến, bảo một người đàn bà ở sau bình phong đánh trống, truyền hoa đến tay ai, người ấy phải uống một ly rượu và phải nói một câu chuyện vui. Bắt đầu từ Giả mẫu, rồi đến Giả Xá, cứ thế lần lượt truyền đi. Trống đánh hai hồi vừa hay đến tay Giả Chính, ông ta phải uống một ly rượu. Các anh chị em đều khe khẽ người nọ kéo người kia, người kia bấm người nọ, ai cũng mỉm cười xem câu chuyện vui như thế nào.
Giả Chính thấy Giả mẫu đương vui, cũng phải làm cho vui thêm, ông ta sắp nói, Giả mẫu lại cười bảo:
- Nếu câu chuyện không được người ta cười thì anh phải phạt đấy.
Giả Chính cười, thưa:
- Con chỉ biết có một câu chuyện, nói ra không ai buồn cười thì cũng đành xin chịu phạt vậy.
- Anh cứ nói đi.
- Một anh chàng con nhà nọ rất sợ vợ.
Mới nói câu ấy, mọi người đã cười ầm lên. Vì họ chưa nghe Giả Chính nói chuyện vui bao giờ. Giả mẫu cười nói:
- Chắc chuyện này hay đấy.
Giả Chính cười thưa:
- Nếu hay, thì mời cụ xơi trước một chén.
Giả Chính lại nói tiếp:
- Anh chàng sợ vợ này, xưa nay không dám đi ra ngoài một bước. Hôm ấy là ngày rằm tháng tám, chàng ta ra phố mua các thứ, gặp ngay mấy người bạn cố sống cố chết kéo hắn về nhà uống rượu. Không ngờ chàng ta uống say quá, lăn ra ngủ ngaỵ Hôm sau tỉnh dậy, hối không kịp, đành phải về nhà nhận tội. Lúc ấy người vợ đương rửa chân, bảo chàng ta: "Đã thế thì anh phải liếm chân tôi, tôi sẽ tha cho". Chàng ta đành phải liếm chân vợ, rồi bụng thấy tởm tởm, muốn nôn. Chị vợ nổi giận định đánh, và nói: "Anh lại hỗn xược thế à!" Chàng ta khiếp quá vội quỳ xuống kêu nài: "Không phải là chân mợ bẩn đâu, vì hôm qua tôi trót uống nhiều rượu, ăn nhiều nhân bánh dẻo quá nên hôm nay thấy lợm giọng".
Câu chuyện làm cho Giả mẫu và mọi người cười ầm lên. Giả Chính lại rót một ly rượu nữa mời Giả mẫu. Giả mẫu cười nói:
- Đã thế thì bảo người mang rượu nóng lại đây, đừng làm khổ các anh nữa.
Mọi người đều cười ầm lên.
Lúc đó lại đánh trống, bắt đầu từ Giả Chính truyền đi, vừa đến Bảo Ngọc thì tắt trống. Vì có Giả Chính ngồi đấy, Bảo Ngọc đã khép nép không yên, nay cành hoa lại đến tay, liền nghĩ: "Mình nói chuyện không vui thì bảo là không lém lỉnh, câu chuyện cười cũng không biết nói, còn biết cái gì, nói hay ra lại bảo những chuyện đúng đắn chẳng thấy đâu, chỉ quen lối bẻm mép thôi, cũng có lỗi, chi bằng ta không nói là hơn."
Rồi đứng dậy từ chối nói:
- Con không biết nói, xin cho cái khác.
Giả Chính nói:
- Đã thế thì hạn cho chữ "thu" con phải làm một bài thơ tức cảnh. Làm hay ta thưởng; không hay thì mai liệu hồn đấy!
Giả mẫu bảo:
- Làm tửu lệnh đương vui, sao lại bày ra làm thơ?
Giả Chính cười thưa:
- Nó làm được thơ đấy.
Giả mẫu nói:
- Đã thế thì làm đi.
Rồi sai người mang bút giấy đến.
Giả Chính nói:
- Nhưng không được dùng những chữ đệm lót như "thủy", "tinh", "băng", "ngọc", "ngân", "thái", "quang", "minh", "tố" v.v... Phải theo ý của mình để ta xem mấy năm nay mày học hành ra sao?
Bảo Ngọc nghe nói, chọc đúng vào tim mình, liền nghĩ ngay bốn câu, viết ra giấy đưa lên. Giả Chính xem xong gật đầu không nói gì. Giả mẫu biết là không đến nỗi dở lắm, liền hỏi:
- Thế nào?
Giả Chính muốn cho Giả mẫu vui lòng, nói:
- Nó cũng khá đấy. Chỉ có cái là không chịu học và đặt câu chưa được nhã.
- Thôi được, nó đã lớn gì cho lắm. Định bắt nó làm tài tử chăng? Cũng cần khen nó để sau này nó cố lên.
- Phải đấy.
Liền quay lại bảo bà già:
- Đi ra gọi bọn hầu nhỏ, bảo lấy hai cái quạt của ta mang ở Hải Nam về,