
ra tiếng kêu oàm oạp. Không ai mua kem, em bỏ đi đầy vẻ thất vọng. Nhìn cái bóng xiêu xiêu của em nhỏ, anh thấy trong lòng xót xa, nhưng trong túi anh không có đồng nào. Tiếng rao lanh lảnh của em lại vang lên trong ngõ bên cạnh nhà thờ không có vẻ bi thương như anh tưởng.
Mẹ hai tay ôm gối, ngồi ngay ngắn trên ghế đẩu, nhắm mắt, hình như mẹ ngủ. Không một gợn gió, những bông hòe nở đầy cành bỗng đồng loạt rớt xuống đất theo phương thăng đứng, y như trước đó chúng bị sức hút của nam châm rồi nguồn nam châm dột nhiên bị ngắt. Cánh hoa tơi tả, hương thơm man mác. Hoa hòe như những bông tuyết đầu mùa rơi trên tóc, trên cổ, trên vành tai và cả trên tay mẹ, trên mặt đất trước mặt mẹ. A men!
Lúc này vị linh mục vừa rao giảng xong, ông đi ra khỏi nhà nguyện. Ông vịn cửa như mê đi trước hiện tượng kỳ lạ của hoa hòe rụng. Ông có bộ tóc màu gạch nung, cặp mắt xanh, mũi cao to và đỏ lựng, bộ râu màu vàng thưa thớt, miệng đầy răng bằng thép không gỉ. Anh hoảng sợ đứng lên: Anh trông thấy rõ ràng là cha anh, y như trong truyện cổ tích.
Bà lão Lật với đôi bàn chân nhỏ xíu lạch bạch chạy tới giới thiệu hai người với nhau:
- Đây là linh mục Mã, con trai cố linh mục Malôa. Linh mục từ Lan Châu về đây chủ trì buổi lễ. Đây là Thượng Quan Kim Đồng, con trai của giáo hữu Thượng Quan Lỗ Thị...
Thực ra, sự giới thiệu của bà Lật là thừa, vì rằng trước khi bà lão giới thiệu tên tuổi, Thượng đế đã khai mở tâm trí cho cả hai, hai người đã biết gốc gác của nhau. Người anh em cùng cha khác mẹ của anh, ngươi con lai giữa linh mục Malôa với người đàn bà dân tộc Hồi, giơ hai cánh tay lông lá ôm chặt anh, cặp mắt xanh nước mắt vòng quanh, ông nói:
- Người anh em, anh chờ em đã lâu rồi!
Năm thứ 26 triều Quang Tự đời Thanh, tức năm 1900. Một buổi sáng mùa thu sương mù dày đặc, quân Đức được viên tri huyện Cao Mật Lý Quế Phong dẫn đường, bao vây thôn Sa Oa tận cùng phía tây nam. Hôm ấy mẹ anh vừa tròn sáu tháng tuổi, chưa biết đi nhưng đã biết bò, tên cúng cơm là Toàn Nhi.
Ông ngoại anh Lỗ Ngũ, có biệt hiệu là Lỗ Quậy, tinh thông võ nghệ, đi lại nhanh nhẹn như thanh niên. Ông dậy rất sớm, luyện dăm đường quyền cước trong mảnh sân còn đẫm sương đêm, rồi quảy đôi thùng sắt tây, của hiếm lúc bấy giờ, đi lấy nước ăn ở giếng nước ngọt phía nam thôn. Móc sắt trên đầu đòn gánh cọ vào quai thùng, phát ra những tiếng lanh canh vui tai. Trên đường đã có nhiều người đi lại, người thì nhặt phân chó, người guồng nước tưới rau cải, cũng có những người quảy thùng gỗ, đội lọ đi lấy nước ăn. Từ lò luyện võ của Đỗ Giải Nguyên vang lên những tiếng hự hự của từng cặp đối công. Đỗ Giải Nguyên là cử nhân võ, cao to trắng trẻo, nhưng bà vợ thì lại đen nhẻm, rỗ chằng rỗ chịt. Đồn rằng, sau khi trúng tuyển, ông từng có ý định bỏ vợ, nhưng một đêm ông mơ thấy một con chim đại bàng lông đốm phủ một bên cánh lên người ông. Tỉnh dậy, ông thấy cánh tay của bà vợ mặt rỗ vắt trên ngực mình. Đỗ Giải Nguyên hiểu ra đó là lời mách của thần linh. Vợ mình tuy mặt mũi xấu xí nhưng đó là phượng hoàng đầu thai vào bà, vậy là ông thôi ý nghĩ bỏ vợ. Đỗ Giải Nguyên võ nghệ siêu quần, có thể gánh hai thùng nước đầy đứng trên mông ngựa phi như bay mà không sánh ra ngoài một giọt. Đến điểm dừng, ông vẫn gánh nguyên hai thùng nước mà nhảy xuống không một tiếng động, thân thế còn nhẹ hơn cục bông, mặt không đỏi sắc, tim không đập mạnh, hai thùng nước vẫn đầy nguyên, không mất một giọt, khiến những tên vô lại định khiêu khích ông bỏ chạy tán loạn.
Ông ngoại đến bên giếng liền ngửi thấy một mùi thơm ngát từ dưới giếng bốc lên. Cái giếng này thông với biển Đông trời cạn đến mấy cũng không hết nước, thường có cá lớn xuất hiện, được gọi là cá thần. Có nhiều truyền thuyết về giếng này, nước giếng ngọt lạ lùng. Cả thôn đều dùng nước ở giếng này và bảo vệ giống như bảo vệ con ngươi của mắt. Ông ngoại nhìn xuống giếng, thấy một bông sen trắng to bằng miệng bát, những cánh hoa trong suốt như bằng mã não, chính giữa là nhụy đỏ như lửa. Ông ngoại vô cùng ngạc nhiên, vội rút lui, sợ làm kinh động bông hoa kỳ lạ. Ông quảy đôi thùng không đi về bắt gặp Đỗ Lê, người ở của nhà Đỗ Giải Nguyên. Đỗ Lê vẫn còn ngái ngủ, ngáp dài hỏi:
- Ông Ngũ Quậy, ông dậy sớm thế!
Ông ngoại ngăn Đỗ Lê:
- Người anh em, đừng đến chỗ giếng nước nữa!
Đỗ Lê hỏi: - Sao vậy?
Ông ngoại nói:
- Trong giếng có một bông sen trắng!
Đỗ Lê nói:
- Sen trắng chứ sen đỏ thì tôi cũng phải lấy nước đem về. Bây giờ về tay không, ông chủ đâu có chịu!
Đỗ Lê gánh đôi thùng gỗ nặng, chệnh choạng đi tới giếng nước.
Ông ngoại chạy dón đầu anh ta, bảo:
- Có hoa sen trắng thật mà!
- Ngũ Quậy, mới bảnh mắt mà đã bị ma ám rồi hả?
- Chính mắt tôi trông thấy mà lại, to bằng miệng bát ấy!
Đỗ Lê đi tới bên giếng cúi xuống nhìn, rồi quay lại bảo ông ngoại:
- Có mẹ anh trong giếng thì có!...
Nói chưa dứt, anh ta đã ngã gục bên thành giếng. Ông ngoại nghe thấy một tiếng súng trầm đục, máu vọt ra từ ngực Đỗ Lê. Một tốp lính Đức đội mũ chóp bằng, người cao, hai chân dài và mảnh, từ phía cầu treo chạy tới dẫn đầu là một người Trung Quốc