
ường Thiên Tiêu, có lẽ sau đó cũng biết rõ không phải ta hạ độc thủ. Lúc đó, tuy rằng chưa thể điều tra rõ ngọn ngành, nhưng sau đó, lúc Trang Bích Lam vào cung định cứu nàng ra khỏi cung không thành, Thiên Tiêu chắc hẳn cũng điều tra đến đám nội ứng của Trang Bích Lam, phân định rõ đây là nhóm người thân tín của Tín vương Nam Sở trước kia. Đường Thiên Tiêu từng có ý định điều tra đến ngọn nguồn sự việc, nhưng mấy người bị khui ra đều rất trung thành, thà chết không chịu khai ra đồng lõa. Người đưa đường dẫn lỗi cho nàng tới gặp Trang Bích Lam không phải là Cửu Nhi hay sao? Làm sao lại không liên quan đến những nội ứng kia? Bởi vì nàng nhất quyết bao bọc, bảo vệ, Đường Thiên Tiêu lại thương xót nàng, tìm ra được chân tướng, nhưng sau cùng cũng chẳng làm gì Cửu Nhi hết.”
Ngài nhìn tôi rồi lại nói thêm: “Ta thật sự chẳng nhớ được nhiều, có điều người hầu thân cận bên cạnh, chắc hẳn nàng cũng phải biết được ít nhiều chứ? Nàng chỉ cần nhớ lại xem, lúc ta với Đường Thiên Tiêu uống rượu, Cửu Nhi có rót rượu cho Đường Thiên Tiêu hay không là rõ ngay thôi.”
Tôi cảm thấy vô cùng ngạc nhiên.
Chọn Cửu Nhi làm cung nữ thân cận từ rất nhiều người là sau khi tôi thoát khỏi kiếp nạn rượu độc nọ. Hôm đó khi nhìn thấy tôi bình an quay về cung, cô bé còn suýt nữa vấp té, sau đó cố gắng làm mọi chuyện để gây sự chú ý của tôi. Sau đó lại biết được cô bé là cung nữ từ triều Nam Sở, hoạt bát, lanh lợi, dễ gần, thân thiết. Ngay cả khi đến phủ Nhiếp chính vương, muốn tìm một người hầu không có mưu mô gì nhất, người đầu tiên tôi nghĩ tới cũng là Cửu Nhi.
Vào hôm đó, trong số những cung nữ rót rượu cho Đường Thiên Tiêu và Đường Thiên Trọng chắc hẳn là có cả Cửu Nhi.
Tín vương mà Đường Thiên Trọng nhắc tới, chính là hoàng đệ của Lý Minh Xương, Hoàng đế sau cùng của Nam Sở, là bạn bè thâm giao với đại tướng quân Trang Dao và phụ thân của tôi là Ninh Bình Du, trong triều đình có uy danh rất lớn. Nghe nói khi nhà họ Trang xảy ra chuyện, ngài không giúp được gì, tức giận bỏ về vùng đất phong của riêng mình ở phía Đông Hải. Đến khi Nam Sở đầu hàng Đại Chu, ngài kéo theo gia quyến cùng hơn một vạn thuộc hạ đầu quân cho Bắc Hách. Vương thái hậu của Bắc Hách chính là chị ruột của ngài, cũng vô cùng căm tức trước sự diệt vong của Nam Sở, có ý định trợ giúp em trai để phục hưng nhà Nam Sở.
Lẽ nào Cửu Nhi chính là người của Tín vương? Tín vương có mối thâm giao cùng với nhà họ Trang, Cửu Nhi đầu độc Hoàng đế Đại Chu rồi giá họa cho người khác, sau đó lại ra tay giúp đỡ Trang Bích Lam cũng là chuyện hợp tình hợp lí.
Tuy rằng trong lòng cảm thấy hoài nghi, nhưng khi ngước mắt lên nhìn ánh mắt lấp lánh, toát ra khí thế ép người quá đáng của Đường Thiên Trọng, trong lòng tôi lại cảm thấy tức giận, liền đáp: “Thiếp chẳng hiểu mấy chuyện quốc gia đại sự này, cũng không biết Cửu Nhi có phải là người của Tín vương hay không? Thế nhưng hôm qua chỉ nhìn qua mảnh giấy đó, thiếp đã biết luôn có người âm thầm gài bẫy. Bích Lam và thiếp đã kết giao mười mấy năm trời, huynh ấy chưa bao giờ coi thiếp như một quân cờ để lợi dụng. Nếu như đã có thân tín tiềm phục trong phủ Nhiếp chính vương thì huynh ấy đã đưa thiếp ra khỏi nơi này từ lâu rồi, chứ tuyệt đối không bao giờ sai khiến thiếp làm những chuyện nguy hiểm như hạ độc giết người.”
Đường Thiên Trọng than thở: “Nàng luôn luôn giữ niềm tin tuyệt đối với hắn vậy sao?”
Sống mũi tôi cay sè, nhưng vẫn mỉm cười nói: “Nếu như huynh ấy cũng lợi dụng thiếp như thế, thì đã không còn là một Trang Bích Lam mà trước kia thiếp yêu thương, nhung nhớ.”
Đường Thiên Trọng sầm mặt lại, không nói thêm gì.
Tôi chỉ tiếp tục nói thêm: “Huống hồ còn rất nhiều điểm sơ hở khác nữa, chỉ e là hầu gia có nghĩ thế nào cũng chẳng ra được. Trong khuê danh của mẫu thân Bích Lam có một chữ “Thanh”, vậy nên khi viết chữ “Thanh”, huynh ấy luôn luôn né tránh bằng cách viết thêm một dấu chấm bên cạnh, hoặc bớt đi một dấu chấm[1'>. Chính vì thế mà dù có mô phỏng nét chữ giống đến đâu, cũng không phải là bức thư do huynh ấy viết ra. Hơn nữa, thường ngày, huynh ấy không bao giờ gọi thiếp là Thanh Vũ mà chỉ gọi là Vũ, hoặc Vũ Nhi.”
[1'>. Chữ “Thanh” trong tên của Ninh Thanh Vũ có bộ “Thủy” gồm ba dấu chấm.
“Vũ! Vũ Nhi!” Đường Thiên Trọng dường như đang vô cùng tức giận, bàn tay cầm chén trà nắm chặt lại, ánh mắt tràn đầy ngọn lửa tức giận, đáng sợ vô cùng.
Chuyện đến nước này, tôi không muốn thêm dầu vào lửa nữa, đành day day mũi rồi nói: “Mùi chua nồng quá. Không biết là dấm đã được ủ bao nhiêu năm rồi [2'>?”
[2'>. Trong tiếng Trung, ghen tuông được gọi là “ăn dấm”, vì vậy Thanh Vũ nói có mùi chua, ý nói nàng cảm nhận được cơn ghen của Thiên Trọng.
Ngọn lửa trong ánh mắt của Đường Thiên Trọng đột nhiên dịu hẳn xuống, trên khuôn mặt lạnh lùng, nghiêm nghị của ngài dần dần hiện lên sự rầu rĩ, chán nản không thích hợp chút nào.
Lúc này, liền nghe thấy giọng nói của Vô Song truyền vào từ ngoài cửa: “Bẩm hầu gia, thái y đã tới.”
Đường Thiên Trọng nhanh chóng gạt bỏ hết mọi cảm xúc, lui lại sau một vài bước rồi lạnh lùng nói: “Cho vào.”
Ha