
của mười năm về trước.
- Làn da của chị Ngải Tình thật khiến người ta ngưỡng mộ!
Hiểu Huyên giúp tôi trang điểm. Theo phong tục Khâu Từ, cô dâu phải
đội khăn trùm đầu sau khi vấn tóc và cài trâm. Tôi vốn sinh ra ở vùng
Giang nam, nước da quả thật có mịn màng hơn các thiếu nữ cổ đại đôi
chút. Những đốm tàn nhang lấm tấm trồi lên do thường xuyên
phơi nắng đã được che phủ bởi lớp phấn nền, trông tôi cũng ra dáng một
thiếu nữ môi thắm má hồng lắm. Trang phục truyền thống của cô dâu Khâu
Từ với hai tông màu đỏ và trắng lại càng tôn thêm vẻ tươi thắm của làn
da. Soi mình trong gương, cô gái vừa e lệ, thẹn thùng vừa hạnh phúc rạng ngời kia là tôi ư?
Bên ngoài, âm nhạc rộn ràng, các nghệ sỹ đang hát vang lời ca chúc
tụng, không khí dường như rất náo nhiệt. Pusyseda bước vào phòng, sắc
mặt khó coi, tôi đưa mắt dò hỏi.
Cậu ta thở dài, buồn bã nói:
- Tục lệ là chú rể phải đến rước dâu, Lữ Quang đã cho người đến đón,
nhưng anh ấy một mực phản kháng, không chịu nhúc nhích. - Không sao, hôn lễ này vốn dĩ chỉ là trò hề thôi mà…
Tôi khẽ lắc đầu. Vẫn biết chàng không hay biết cô dâu là tôi, nhưng sao lòng vẫn buồn rười rượi.
- Ngải Tình, đừng nói vậy!
Cậu ta nghiêm trọng, nhìn sâu vào mắt tôi, vẻ mặt nghiêm trang:
- Dù Lữ Quang có bày trò gì, đây là hôn lễ chính thức và duy nhất của hai người. Chị xưa nay rất dũng cảm kia mà! Hãy chứng tỏ bản lĩnh của
một cô dâu kiên cường cho tôi xem!
Tôi lặng người, đón lấy vẻ mặt kiên định của Pusyseda, gật đầu cả quyết.
Cậu ta dường như đã vững tâm hơn, nhưng một lát sau lại nhíu mày lo lắng:
- Tôi vẫn chưa nói chuyện được với anh ấy, Rajiva vẫn chưa biết người anh ấy sẽ cưới là chị. Nhưng tôi nghĩ, cứ để anh ấy nhận ra chị sau khi vào động phòng là tốt nhất. Vì nếu anh ấy không phản kháng quyết liệt,
Lữ Quang ắt sẽ sinh nghi. Ngải Tình, chị gắng nhẫn nhịn, tôi e rằng, anh ấy sẽ phản kháng dữ dội trong buổi lễ…
Tôi hít một hơi thật sâu, nở nụ cười rạng rỡ nhất, sẵn sàng đối diện với tất cả:
- Cậu nói đúng, Pusyseda, đây là hôn lễ của cuộc đời tôi, dù có thế
nào, tôi cũng sẽ trân trọng. Tôi không tủi thân đâu, mà ngược lại, tôi
phải cảm ơn ông trời, cảm ơn cậu, đã giúp tôi biến giấc mơ tưởng như
không thể trở thành hiện thực…
Có tiếng hó hét náo loạn ở bên ngoài, đám đông đã chen vào tới tận
cửa phòng, Pusyseda để Hiểu Huyên ra ứng phó, vì cậu ta còn có chuyện muốn nói với tôi. Hiểu Huyên chỉ lẳng lặng gật đầu với chồng.
Hiểu Huyên vừa đi khỏi, chưa kịp hỏi cậu ta muốn nói gì, bỗng tôi rơi vào một vòng tay xiết chặt. Tiếng thở dài khe khẽ lướt trên đầu tôi:
- Tôi đã từng mường tượng hình ảnh chị mặc áo cưới, quả nhiên rất đẹp.
Khẽ buông tôi ra, cậu ta ngắm tôi chăm chú, ánh mắt mơ hồ. Nhưng chỉ
trong khoảnh khắc, thần thái ban đầu đã trở lại, miệng cười tinh quái,
cất giọng dịu dàng:
- Sau này không được ôm chị nữa rồi, chị dâu ạ…
Một nụ hôn nồng ấm thả trên trán tôi, sau đó trước mắt tôi phủ một
màu đỏ diễm lệ, qua làn vải mỏng đỏ thắm ấy, thế giới dường như đã biến
đổi. Gương mặt điển trai với nụ cười rạng rỡ của Pusyseda nổi bật trong
sắc đỏ ấy…
Ly Cung chỉ cách chùa Cakra một bức tường. Xe ngựa đưa tôi ra phố
chính thành Subash mà không phải qua cửa chính để vào chùa. Cỗ xe chầm
chậm lăn bánh, tiếng kèn, tiếng trống vang rền trên đường. Đoàn rước dâu đều là người của Lữ Quang, họ phân phát hoa quả, bánh trái cho đám đông xung quanh. Lữ Long, cháu của Lữ Quang gào lên điệp khúc:
- Hôm nay là ngày đại pháp sư Kumarajiva thành thân, ngài
có lời mời bà con đến chùa Cakra tham dự hôn lễ, ngài sẽ chiêu đãi đồ ăn thức uống miễn phí, bà con chớ bỏ lỡ dịp này!
Một tên đi bên cạnh Lữ Long chuyển dịch lời của hắn sang tiếng Tochari.
Pusyseda mặt mày sa sầm, định thúc ngựa phi lên phía trước, nhưng
tôi đã kịp vén rèm cửa xe, gọi cậu ta lại và lắc đầu ra hiệu. Lúc đó,
tôi mới nhận thấy vẻ phẫn nộ và khinh bỉ từ bốn phía đổ về mình. Trong
lòng tê tái, vậy là Lữ Quang đã đạt được mục đích, hắn muốn tất cả mọi
người khinh bỉ chúng tôi.
Hiểu Huyên ngồi bên cạnh kéo tay tôi lại, đặt trong lòng tay cô ấy.
Tôi thấy mình được an ủi rất nhiều, và không để tâm những ánh mắt giận
dữ ngoài kia nữa. Chợt nhớ đến lời Pusyseda, tôi ngẩng cao đầu, nhất
định phải làm một cô dâu kiên cường. Hôm nay, tôi sẽ kết hôn với người
mà tôi yêu thương.
Màn kịch diễu hành trên phố đã kết thúc, xe ngựa dừng lại trên khoảng sân trống phía trước điện thờ chính của chùa Cakra. Pusyseda
đỡ tôi xuống xe và đưa tới khu vực trung tâm. Lẽ ra chú rể phải đón cô
dâu, nhưng Pusyseda phải làm việc đó thay anh trai.
Trời đã tối hẳn, khắp nơi đèn hoa chăng kết rực rỡ, lụa hồng lụa đỏ
giăng mắc bốn phía, vẻ kệch cỡm, khôi hài hiển hiện. Hàng nghìn người
chen chân trên khoảng sân rộng. Vòng trong là toàn thể tăng sĩ chùa Cakra bị buộc phải có mặt theo lệnh của Lữ Quang. Vòng ngoài là
đông đảo người dân địa phương. Âm nhạc ầm ĩ không hòa điệu với nét mặt u buồn tột độ của các nhà sư, khiến cho không khí của buổi lễ trở nên bi
thương lạ lùng.
Lữ Quang, Bạch Chấn và Hoàng Hậu