
lùng của tôi thiếu chút nữa đã bật ra khỏi miệng, đây chẳng qua chỉ là một phen mưu mẹo mà thôi. Phải bỏ ra bao nhiêu tâm cơ để tính toán như thế, còn chỗ nào cho chân tình được?
Thế nhưng xuất hiện bên khóe miệng tôi lại là một nụ cười hết mực dịu dàng. “Sủng ái nhất thời thì có ích gì đâu. Muốn khiến Hoàng thượng lúc nào cũng nghĩ đến ta, thực còn phải trông cậy vào công công nhiều lắm!”
Nụ cười dịu dàng, đoan trang mà tôi cố giữ trên mặt lập tức trở nên lạnh lùng ngay sau khi Lý Trường rời đi. Hoán Bích biết lúc này tâm trạng tôi đang không tốt, liền kiếm cớ ra ngoài, chỉ để lại một mình Cận Tịch bầu bạn bên tôi.
Lòng tôi ngợp nỗi bi thương và hỗn loạn, liền tiện tay rút cây trâm vàng trên đầu xuống, cắm mạnh vào chiếc bàn trang điểm làm bằng gỗ, lặng im không nói gì.
Cận Tịch sợ đến giật nẩy mình, lo lắng nói: “Nương nương cẩn thận kẻo đau tay!”
“Nương nương?” Tôi khẽ cười lạnh một tiếng, nơi đáy lòng có thứ gì đó cực kỳ quý giá đã tan vỡ hoàn toàn, không thể phục hồi được nữa. Hồi lâu sau tôi mới khẽ hỏi: “Cận Tịch, ngươi có biết tại sao Thanh lại chết không?”
Mí mắt bất giác nảy lên một cái, Cận Tịch cất giọng run run: “Nô tỳ không biết.”
Nỗi đau đớn và căm phẫn bất giác trào dâng, lên tới mặt tôi hóa thành một nụ cười hờ hững, lạnh lùng tột độ, rồi tôi nói gằn từng từ: “Chiếc thuyền mà Thanh ngồi quả là đã bị người ta đụng tay đụng chân vào, nhưng Huyền Lăng…” Tôi không sao kìm nén được nỗi căm hận của mình, để nó bật ra ngoài qua kẽ răng: “Y biết rõ vùng Điền Nam không hề yên ổn, vậy mà lại sai Thanh vi hành tới đó, cho nên mới có mối họa hôm nay!” Tôi cầm cây lược trên bàn lên, nắm chặt, răng lược dày và nhọn hoắt cắm vào lòng bàn tay mang tới cảm giác đau nhói. “Cận Tịch, ta hận quá…”
Cận Tịch kéo tôi vào lòng, xót xa nói: “Dù sao chuyện cũng đã tới nước này rồi, nương nương chớ nên giày vò bản thân quá!”
Tôi đặt tay lên bụng mình, lạnh lùng cất tiếng: “Trước đây, ta còn có chút áy náy khi trở lại bên y để đứa bé này có được một danh phận đàng hoàng, nhưng giờ đây chút áy náy ấy đã hoàn toàn tan biến. Cận Tịch, tuy y không cố ý nhưng nếu không phải vì y…” Nói tới đây, một cơn choáng váng và cảm giác buồn nôn bất giác trào lên, khiến tôi nhất thời không nói thêm gì được.
Ánh mắt Cận Tịch bừng lên một vẻ kiên định tột cùng, nàng ta nắm lấy bàn tay tôi, bình tĩnh nói: “Yêu cũng tốt, hận cũng tốt, con đường này dù sao cũng vẫn phải đi tiếp, đúng không nào?”
“Đúng thế nhưng nỗi hận ít đi được chút nào, ta sẽ dễ chịu hơn chút đó.” Tôi muốn khóc mà không ra nước mắt, cặp mắt giờ đây đã cạn khô. “Cái chết của Thanh có liên quan tới Huyền Lăng nhưng ta thậm chí còn không thể nói với Hoán Bích việc này. Nhỡ cơn giận của muội ấy nổi lên, chỉ sợ còn khó kiềm chế hơn ta.”
Cận Tịch một tay giữ chặt bờ vai tôi, một tay rút cây trâm vàng trên bàn trang điểm ra, cẩn thận cắm lại lên búi tóc của tôi, khẽ nói: “Nương nương làm rất đúng, nếu nói việc này với Hoán Bích cô nương sẽ chỉ làm loạn đại cục, chi bằng không nói. Dù sao bất kể là có chuyện này hay không thì nương nương cũng vẫn phải về cung bảo toàn dòng dõi của Thanh Hà Vương. Việc gặp lại Hoàng thượng đã được tiến hành rất tốt, nhưng mới chỉ là bước đầu tiên. Đối với nương nương mà nói, thời khắc khó khăn nhất đã qua rồi, những ngày tháng sau này dù có khó khăn, vất vả đến mấy cũng vẫn phải cố gắng chịu đựng. Nếu để lộ ra sự yếu ớt dù chỉ là trong một khoảnh khắc thôi, kẻ địch sẽ có cơ hội để lợi dụng.” Nàng ta cầm lấy một cây trâm khác có hình bông hoa, cài lên búi tóc cho tôi, nói tiếp: “Việc nương nương cần làm bây giờ là giữ lấy trái tim Hoàng thượng, cho nên dù trong lòng có đau đớn và khổ sở đến mấy thì ngoài mặt cũng vẫn phải tươi đẹp như hoa.”
Người chết thì đã chết rồi, mọi nỗi khổ đau đều cần có người sống chịu đựng.
Tôi lặng lẽ ngước mắt lên, chiếc gương đồng ánh ra những tia ảm đạm mà lạnh lẽo, giống hệt ánh mắt tôi, nhưng khuôn mặt của người trong gương thì lại đẹp tươi như hoa đào.
Q.5 – Chương 4: Sông Ngân Chớp Chớp Những Mong Sáng Trời[1'>
[1'> Trích Trường hận ca, Bạch Cư Dị. Nguyên văn Hán Việt: Cảnh cảnh tinh hà dục thự thiên – ND.
Một tháng trôi qua, Huyền Lăng tìm cơ hội tới chỗ tôi hai lần, sau hai dịp hoan hảo, tình cảm lại sâu đậm. Trong lúc nói cười trò chuyện về tình hình trong cung, Huyền Lăng vui vẻ kể: “Yến Nghi đã có thai được hơn hai tháng rồi. Từ sau khi Uẩn Dung sinh Hòa Mục Công chúa, trong cung gần như chẳng có thêm tin mừng nào cả.”
Tôi tỏ vẻ nghi hoặc: “Yến Nghi?”
Cái tên này tôi đã từng nghe nói, đó là Từ Tài nhân khá thương yêu Lung Nguyệt mà Phương Nhược từng kể, là Từ Uyển nghi từng ngâm bài Tứ trương cơ bên bờ hồ Thái Dịch mà Huyền Thanh đã có lần nói tới, ngoài ra nàng ta còn là một nữ tử si tình hết mực, vì Huyền Lăng mắc bệnh mà quỳ trước Thông Minh điện cầu khẩn đến nỗi hư thoát.
Có điều, nữ tử vừa si tình vừa khá có học thức này dường như không được Huyền Lăng sủng ái lắm thì phải.
Huyền Lăng thản nhiên nói: “Nàng ta vào cung trong năm mà nàng rời cung. Nói ra kể cũng lạ, trẫm vốn c