
iva gặp lại họ trong nỗi xúc động dâng trào, nước
mắt lưng tròng. Ngay cả tôi, cũng cảm động sâu sắc trước ý chí và quyết
tâm của các nhà sư này.
Đệ tữ của Rajiva mang đến rất nhiều vật phẩm khiến chúng tôi ngạc nhiên. Ngoài ngân lượng, quần áo mới, còn có cả đặc
sản của Khâu Từ, tất cả đều do Pusyseda chuẩn bị. Thì ra chính Pusyseda
đã tài trợ toàn bộ kinh phí cho họ. Ngoài tiền bạc, chúng tôi
còn nhận được hai bức thư. Một của Pusyseda, cậu ấy báo tin gia đình ở
Khâu Từ đều bình an, Cầu Tư, Vĩnh Tư ngoan ngoãn, đáng yêu. Cậu ấy căn
dặn chúng tôi giữ gìn sức khoẻ, nếu có dịp, hãy về thăm quê hương. Một
bức thư khác là của người thầy và cũng là người bạn Buddhayassa của
Rajiva viết. Thuở thiếu thời, Rajiva từng theo học giáo lý Đại Thừa từ
người thầy này ở Salaq. Buddhayasa đã biết chuyện Rajiva phá giới, kết
hôn, nên bày tỏ niềm nuối tiếc vô hạn, nhưng không khiển trách chàng
nghiêm khắc. Được thầy thấu hiểu, Rajiva vô cùng cảm kích.
Guzang không có chùa chiền đúng nghĩa, thời điểm này chúng tôi cũng
không dư dả để tìm chỗ ở khác cho họ. Bởi vậy nhà chúng tôi, trong một
lúc đã có thêm hai mươi tư thành viên mới. Đôi khi, tôi cảm thấy rất kỳ
lạ về gia đình này. Từ góc độ xuất thân, chúng tôi có nhà sư, vợ nhà sư, còn có cả quốc vương, hoàng hậu và thái hậu tương lai nữa. Tất cả đã
họp lại thành một gia đình kỳ lạ và công việc hàng ngày của đại gia đình đó là đến khu vực tập trung đông dân chạy nạn. Giờ đây, Rajiva đã có
thể giao việc giảng kinh thuyết đạo cho các đệ tử, chàng chịu trách
nhiệm phần việc khác: khám chữa bệnh.
Theo như tài liệu tôi đọc được, thì giá cả lương thực sẽ còn tiếp tục tăng cao. Bởi vậy, tôi đã thuyết phục Lý Cảo, xuất tiền mua lương thực
tích trữ. Riêng tôi, đã bỏ ra phần lớn số tiền mà chúng tôi có để mua
hai trăm đấu cao lương, một trăm đấu gạo kê và năm mươi đấu tiểu mạch,
chất đầy gian nhà kho. Tôi cứ nghĩ, với sự trợ giúp của Lý Cảo và sự
chuẩn bị của chúng tôi, việc cứu tế sẽ được duy trì trong một thời gian. Nào ngờ, tình hình ngày càng trở nên tồi tệ hơn khi mùa đông đến. Cuối
tháng mười một, trời bỗng chuyển rét đột ngột, gió lạnh căm căm, tuyết
ào ạt đổ xuống như trút. Nạn dân ngày một đông. Vùng Nam Quận, Tây Bình
vốn không chịu thiên tai nghiêm trọng, nhưng vì Lữ Quang tiến đánh quân
phản loạn do hai Thái thú nhà Tiền Tần cầm đầu, nên người dân ở hai vùng này đã ồ ạt chạy đến Guzang lánh nạn. Hàng ngày có khoảng bảy, tám vạn
con người nước da vàng vọt đứng xếp hàng trước điểm phát cháo của chúng
tôi. Tuyết trắng rơi trên vai, chờ đến lượt mình được phát đồ ăn, thì ai nấy đều đã biến thành người tuyết, những cánh tay phủ đầy vết lở loét
do giá rét gây nên, lẩy bẩy chìa ra. Liên tục có người ngã xuống trong
lúc xếp hàng và không bao giờ đứng lên được nữa. Rajiva không muốn một
nạn dân nào chết đói. Nhưng chỉ e là họ chưa chết đói nhưng đã bị chết
rét rồi.
Tôi đã thuyết phục Lý Cảo quyên tặng một nghìn bộ áo bông, nhưng chỉ
đủ chia cho những người già cả, bệnh tật. Chúng tôi cũng bỏ tiền ra mua
thêm vài trăm bộ nữa, song hàng ngày vẫn có những chiếc xe ba gác chở
những xác người chết cóng ra ngoại thành. Lương thực dự trữ cạn kiệt
nhanh chóng. Mỗi ngày, sau khi phát hết cháo, vẫn còn một hàng dài nạn
dân nhìn chúng tôi trân trối. Nồi cháo cứu đói ngày một loãng, vậy mà
vẫn không đủ để chia cho mỗi người một bát. Tôi đi mua thêm gạo và phải
chịu mức giá cao gấp đôi lúc trước.
Lý Cảo là người bỏ ra khoản tiền quyên góp nhiều nhất. Mặc dù nồi
cháo của chúng tôi không đủ chia cho tất cả mọi người, nhưng tôi không
thể yêu cầu anh ta mua thêm gạo. Rajiva yêu cầu tôi bổ sung lương thực
cứu trợ bằng chính nguồn lương thực dự trữ dành cho nhà chúng tôi. Bởi
vậy, gạo trong nhà kho của chúng tôi cũng nhanh chóng vơi dần. Tình cảnh của chúng tôi cũng không lấy gì làm khá hơn. Bởi vì chúng tôi không có
bất cứ nguồn thu nhập nào, trong khi hàng ngày lại phải lo ăn từng bữa
cho cả một núi người. Khoản tiền Pusyseda gửi cho chúng tôi không thể đủ để duy trì cả một đại gia đình như thế này. Tôi là người quản lý về tài chính, nên nỗi trăn trở mỗi ngày của tôi là đến khi nào thì chúng tôi
phải rao bán đồ đạc để mua lương thực?
Rajiva hầu như không có bất cứ ý niệm nào về tiền bạc, vì theo giới
luật, chàng không được mang tiền trong người, bất kể đưa cho chàng bao
nhiêu, chàng cũng sẽ tiêu hết sạch. Nếu không bố thí cho ăn mày thì sẽ
dùng để mua sách. Nhiều năm sống cuộc đời thượng lưu đã hình thành nên
căn bệnh quý tộc điển hình ở chàng. Đơn cử như việc ăn uống chẳng hạn,
“cơm càng trắng tinh càng thích, thịt thái càng nhỏ càng ngon”[1'>, chàng thích màu sắc tinh tế. Tuy chàng không nói ra, nhưng tôi biết chàng
không thích cháo cao lương. Thực ra, có ai thích ăn đâu! Cháo kê còn có
chút hương thơm, cháo cao lương có vị chát và rất khó nuốt.
[1'> Sách “Luận ngữ”, thiên 10 “Hương Đằng” - Khổng Tử.
Tôi là người Giang Nam, từ nhỏ đã quen ăn lúa gạo. Sống ở Khâu Từ lâu ngày cũng làm quen được với bột mì. Đến Guzang, lần đầu tiên nếm thử
c