
g.
Kim đâm vào tay tôi.
Chàng đặt sách xuống, kiểm tra ngón tay tôi, rồi, đúng như tôi nghĩ, chàng đặt
ngón tay tôi lên miệng và mút. Ha ha, tôi đã ngóng đợi phút giây ấm áp này biết
bao! - Nàng không cần phải làm những việc này! Chàng ngước nhìn lên, thấy tôi
cười thích thú, liền tỏ ra giận dỗi:
- Vì sao không để chị
Adoly làm?
Tôi tinh nghịch nhướn
mày trêu chọc chàng. Không thể nói với chàng, rằng tôi rất muốn được trải
nghiệm. Trong các bộ phim cổ trang, thường xuyên xuất hiện cảnh này: anh chồng
thư sinh ngồi đọc sách, cô vợ hiền thục ngồi khâu vá bên cạnh. Rồi cô vợ bị kim
đâm vào tay, anh chồng lo lắng mút máu ở tay cho vợ. Mỗi lần xem cảnh này, tôi
đều vô cùng cảm động. Con người ở thế kỷ XXI ai nấy đều bận rộn. Vợ chồng thời
hiện đại, mặc dù cùng chung sống dưới một mái nhà, nhưng người thì xem
bóng đá, người thì lên mạng. Làm gì còn cảnh “cùng nhau khêu nến bên song
cửa”[1'>, đầu mày cuối mắt ngọt ngào như xưa nữa.
[1'> Câu thơ trong bài
Dạ vũ ký bắc của Lý Thương Ẩn.
Tâm sự ấy, nỗi niềm ấy
không biết phải giãi bày ra sao để chàng hiểu, nên chỉ đành cười ngu ngơ và tìm
cách chuyển đề tài:
- Chàng đang đọc sách
gì vậy?
Câu hỏi vu vơ của tôi
mà khiến chàng đỏ mặt. Lạ quá, tôi cầm sách lên đọc. Rajiva nghiên cứu rất
nhiều lĩnh vực, dường như chàng đọc mọi loại sách, tốc độ rất nhanh và trí nhớ
thì siêu phàm. Chàng đang đọc sách y dược viết bằng chữ Hán. Chàng có tìm hiểu
về y dược, thỉnh thoảng chàng còn khám bệnh cho người dân. Nhưng vì sao chàng
phải đỏ mặt! Tôi giải tỏa nghi vấn bằng cách lật mở đến trang sách chàng đang
đọc và khi hai chữ “quý thủy”[2'> lọt vào mắt tôi, tôi thấy hai má nóng ran.
[2'> Còn gọi là âm
thủy, chỉ kinh nguyệt của phụ nữ.
Trong những ngày
bị giam lỏng trước đây, có lần thấy tôi ôm bụng quằn quại, chàng đã vô cùng
hoảng hốt, vội vàng bắt mạch xem bệnh cho tôi. Tôi đỏ mặt, ngượng
ngùng giải thích để chàng hiểu thế nào là đau bụng khi có kinh và rằng, ngày
đầu tiên của kỳ kinh nguyệt tôi đều đau suốt mấy tiếng. Chàng bối rối
không biết phải làm sao, chỉ liên tục hỏi han: “Còn đau không?”. Lần thứ
hai chàng chứng kiến cảnh ấy là khi chúng tôi đã thành thân. Rút kinh nghiệm
lần trước, ngày hôm đó chàng hết sức dịu dàng, ân cần xoa bụng cho tôi. Chẳng
ngờ, chàng còn tìm đọc cả phương pháp giúp giảm đau khi có kinh nữa, không cảm
động sao được. Nhìn khuôn mặt đỏ như gấc chín của chàng, tôi không nhịn
nổi cười.
- Ba ngày nữa, nàng sẽ
bị đau.
Thấy tôi cười, chàng
có vẻ bối rối:
- Ngày mai ta bảo anh
Kaodura đi lấy thuốc, nàng phải chịu khó uống, sẽ đỡ hơn.
Tôi ngạc nhiên:
- Sao chàng biết còn
ba ngày nữa?
-
Ta là chồng nàng, ta phải biết chứ.
Chàng
cốc nhẹ vào trán tôi, sắc đỏ trên gương mặt vẫn còn nguyên:
-
Chỉ có người phụ nữ vô tâm vô tư như nàng mới không nhớ thôi.
Tôi
lè lưỡi chọc chàng. Quả thực, tôi chưa bao giờ ghi nhớ chính xác kỳ kinh
nguyệt của mình. Bởi vì chu kỳ kinh nguyệt là hai mươi tám ngày, không đồng
nhất với lịch dương mà chúng ta vẫn dùng, khiến tôi hay bị nhầm lẫn. Khi nào
tôi cảm thấy sắp đến kỳ kinh, tôi sẽ mang theo băng vệ sinh bên mình. Trước lúc
vượt thời gian đến đây, tôi đã nhét vào ba lô số lượng đủ dùng cho hai năm, mất
khá nhiều diện tích. Tôi vòng tay ôm eo chàng, ngả đầu vào vai chàng, nũng nịu:
-
Trí nhớ của chàng tốt hơn em, chàng nhớ giùm em là được rồi!
-
Nàng thật là… Tôi xiết chặt hơn vòng tay, vùi đầu vào ngực chàng, hít hà mùi cơ
thể chàng.
-
Chỉ những người được yêu mới có quyền lười nhác.
Chàng bật cười, kéo tôi ngồi lên đùi chàng. Tôi vòng tay qua cổ chàng, ngả đầu
vào vai chàng, cùng chàng đọc sách. Chàng là chiếc ghế tựa êm ái của tôi, mãi
mãi như vậy.
Chợt
nhớ tới lời một bài hát xưa: “Em tự hỏi lòng mình qua nhiều ngày buồn thảm và
nhận ra hạnh phúc thật sự chỉ đến trong những khoảnh khắc mộc mạc, thảnh thơi”.
Tình yêu dù tươi đẹp, cuồng nhiệt đến đâu rồi cũng sẽ nhạt dần. Nhưng được cùng
chàng đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi trong cuộc sống lắm gian truân này,
tôi cảm thấy vô cùng mãn nguyện.
Ngày
tháng êm đềm trôi qua, chúng tôi cùng nhau bước vào mùa đông năm 384 sau Công
nguyên. Công việc của chàng đã gặt hái được những thành tựu to lớn: hầu hết các
tăng sĩ bỏ trốn đều đã quay lại chùa, nền nếp trong chùa đã được khôi phục và
duy trì. Nỗi đau chiến tranh khiến người dân càng thêm tín Phật, ngày nào
chàng cũng miệt mài bận rộn. Tôi cũng đã học hỏi được rất nhiều kỹ năng sống
của con người thời đại này. Tôi biết nấu cơm, giặt quần áo, may vá, khâu giày,
muối dưa. Hàng ngày tôi đều theo chị Adoly ra chợ mua thức ăn, chuyện phiếm với
bà con lối xóm. Dần dà, tôi đã hòa nhập được với cuộc sống của con người 1650
năm trước.
Tất
nhiên, Lữ Quang không buông tha cho chúng tôi. Bởi vậy, khi trận tuyết đầu tiên
trút xuống Khâu Tử, nhìn thấy mấy tên lính người Đê đứng ngoài cổng, tôi thở
dài, vậy là mọi chuyện sẽ xảy ra sớm hơn dự kiến.
Chúng
tôi bị đưa về thành Khâu Tử và được sắp xếp ở trong cung. Tuy không xa hoa như
tẩm cung của công c